Leptospirosis, hay còn gọi là bệnh Lepto, là một bệnh nhiễm khuẩn do xoắn khuẩn Leptospira gây ra. Mặc dù bệnh này không lây lan mạnh và gây tử vong cao như các bệnh Parvovirus hay Care, nhưng bệnh Lepto ở chó vẫn là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Đặc biệt, nó có khả năng lây nhiễm chéo sang chó và chủ nuôi. Tạo ra nhiều rủi ro sức khỏe nghiêm trọng nếu không được kiểm soát và điều trị kịp thời.
Chó mèo có thể lây nhiễm bệnh qua con đường nào?
Chó có thể nhiễm xoắn khuẩn Leptospira thông qua nhiều con đường khác nhau:
- Tiếp xúc với nước tiểu của động vật bị nhiễm bệnh, đặc biệt là từ loài gặm nhấm như chuột.
- Nguồn nước bị ô nhiễm chứa nước tiểu của động vật mang mầm bệnh.
- Vết thương hở do bị cắn, tiếp xúc với dịch tiết sinh sản của động vật nhiễm bệnh.
- Những môi trường ẩm ướt, đọng nước là nơi lý tưởng để vi khuẩn phát triển.
Triệu chứng điển hình của bệnh Lepto ở chó
Bệnh Lepto có thể biểu hiện với nhiều triệu chứng khác nhau. Tùy vào mức độ nhiễm trùng và khả năng miễn dịch của chó. Một số triệu chứng phổ biến bao gồm:
- Sốt cao, trầm cảm, mất cảm giác thèm ăn.
- Đau khớp hoặc khó di chuyển.
- Buồn nôn, tiêu chảy, dẫn đến mất nước.
- Uống nước nhiều bất thường do thận bị tổn thương.
- Vàng da do tổn thương gan, hoặc chảy máu quá mức do số lượng tiểu cầu thấp.
Trong nhiều trường hợp, thú cưng sau khi hồi phục vẫn có thể bài thải xoắn khuẩn Leptospira trong nước tiểu của mình trong nhiều tháng. Điều này khiến chúng trở thành mối đe dọa lây nhiễm cho các động vật khác.
Mức độ nghiêm trọng của bệnh Lepto theo độ tuổi và giống loài
Chó nhỏ tuổi thường có xu hướng bị bệnh nghiêm trọng hơn do hệ miễn dịch chưa phát triển đầy đủ. Đặc biệt, giống chó Chăn cừu Đức (German Shepherd) có nguy cơ nhiễm bệnh cao hơn do yếu tố di truyền.
Điều trị Leptospirosis
Bệnh Lepto là một bệnh do vi khuẩn gây ra, vì vậy nó có thể được điều trị hiệu quả bằng kháng sinh. Tuy nhiên, việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời là rất quan trọng để giảm thiểu biến chứng nguy hiểm cho các cơ quan nội tạng như thận và gan.
Phòng ngừa bệnh Lepto
Để phòng ngừa bệnh Lepto ở chó, bạn có thể áp dụng các biện pháp sau:
Tiêm phòng: Giảm mức độ nghiêm trọng của triệu chứng và ngăn ngừa các biến chứng nặng.
Kiểm soát môi trường sống: Loại bỏ những nơi nước đọng và kiểm soát sự xuất hiện của loài gặm nhấm trong môi trường nuôi.
Bệnh Lepto ở chó không chỉ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của thú cưng mà còn có thể đe dọa đến sức khỏe của gia đình bạn. Chính vì vậy, việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa và chăm sóc thú y định kỳ là rất cần thiết.