Khi chó bị gãy chân, chủ nuôi thường rất lo lắng không biết liệu chó có thể tự hồi phục mà không cần can thiệp y tế hay không. Gãy chân là một trong những chấn thương phổ biến ở chó. Bài viết này sẽ giải đáp thắc mắc chó bị gãy chân có tự lành không và hướng dẫn cách chăm sóc hiệu quả.
Chó bị gãy chân có tự lành được không?
Chó bị gãy chân thường không thể tự lành một cách hoàn chỉnh mà không có sự can thiệp từ bác sĩ thú y. Xương gãy không được chỉnh đúng cách có thể gây biến dạng, ảnh hưởng đến việc di chuyển của chó. Xương gãy nhẹ có thể tự lành một phần, nhưng thường không hồi phục hoàn toàn. Chủ nuôi nên đưa chó đến bác sĩ thú y ngay khi nghi ngờ bị gãy chân.
Dấu hiệu chó bị gãy chân
Khi chó bị gãy chân, bạn có thể dễ dàng nhận ra thông qua những biểu hiện sau:
- Chó không thể đặt chân xuống đất hoặc đi khập khiễng
- Vùng chân bị sưng tấy hoặc bầm tím
- Chó kêu rên hoặc tỏ ra đau đớn khi di chuyển
- Chân có thể bị biến dạng hoặc gập ở những vị trí không tự nhiên
Nếu chó có bất kì dấu hiệu trên, hãy đưa đến gặp bác sĩ thú y càng sớm càng tốt.
Cách điều trị chó bị gãy chân
Sơ cứu khi chó bị gãy chân tại nhà
Khi chân chó bị sưng phù do chấn thương, bạn có thể sơ cứu tại nhà bằng cách sử dụng chườm khăn lạnh và nóng xen kẽ. Hãy bắt đầu bằng cách chườm khăn lạnh (hoặc đá) để giảm sưng tại khu vực bị thương, sau đó chườm khăn ấm để giúp máu lưu thông tốt hơn. Đồng thời, đảm bảo giữ chó yên tĩnh và không chạy nhảy trong suốt quá trình điều trị.
Để hỗ trợ sơ cứu, bạn có thể thực hiện những bước sau:
- Đeo rọ mõm cho chó để tránh việc chó có thể cắn do đau đớn và cũng giúp chúng bình tĩnh hơn trong quá trình chữa trị.
- Sử dụng hai thanh gỗ dẹt có kích thước phù hợp với chân chó để cố định vùng xương gãy, sau đó đưa chúng đến cơ sở thú y gần nhất. Hãy lưu ý không băng quá chặt để tránh làm tình trạng tổn thương nặng thêm.
Phương pháp điều trị tại bệnh viện
Thông thường, bác sĩ thú y sẽ đề xuất hai phương án điều trị khi chó bị gãy chân:
- Cố định xương bên ngoài: Đối với những trường hợp gãy xương nhẹ đến vừa, bác sĩ sẽ sử dụng băng gạc, thạch cao và nẹp để cố định phần xương bị gãy. Theo thời gian, xương sẽ tự lành.
- Cố định xương bên trong: Trong các trường hợp gãy xương nghiêm trọng hơn, bác sĩ sẽ phải tiến hành phẫu thuật và sử dụng đinh, ốc vít hoặc các dụng cụ đặc biệt để cố định phần xương bị tổn thương.
Hướng dẫn chăm sóc
Cách chăm sóc chính xác cho chó bị gãy chân
Sau khi được điều trị, chó sẽ mất khoảng một tháng để có thể bắt đầu cử động nhẹ. Từ thời điểm điều trị, xương sẽ bắt đầu liên kết lại trong khoảng thời gian từ 12 đến 16 tuần và sau đó sẽ liền lại hoàn toàn.
Trong suốt thời gian này, hãy giữ chó ổn định, tránh nước và hạn chế vận động mạnh để tránh các vấn đề không mong muốn
Hãy cho chó tắm nắng sáng sớm, khoảng 8 giờ, để hỗ trợ tái tạo xương. Đồng thời, bạn cũng nên thường xuyên kiểm tra vết thương để đảm bảo chúng đang hồi phục đúng cách.
Cung cấp chế độ dinh dưỡng hợp lý để giúp xương gãy mau lành
Chó bị thương có thể chán và bỏ ăn, dẫn đến giảm cân và thiếu dinh dưỡng. Hãy đảm bảo cung cấp chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng cho chó trong thời gian này
Việc xương bị gãy cũng có thể gây tổn thương cho các mô, vì vậy việc bổ sung chất béo và carbohydrate là rất quan trọng, giúp cải thiện quá trình phục hồi các mô bị tổn thương ở chó.
Hãy cho chó ăn thực phẩm lỏng chứa vitamin D và canxi để dễ tiêu hóa và hấp thụ. Điều này sẽ hỗ trợ quá trình tái tạo xương và phục hồi tổn thương một cách hiệu quả hơn.