Bệnh giảm bạch cầu FPV (Feline Panleukopenia Virus) là một trong những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhất đối với mèo. Bệnh gây suy giảm hệ miễn dịch và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Đặc biệt là những con chưa tiêm phòng đầy đủ. Việc hiểu rõ về bệnh không chỉ giúp bảo vệ mèo mà còn phòng ngừa bệnh lây lan.
Bệnh giảm bạch cầu FPV là gì?
Bệnh giảm bạch cầu ở mèo, hay còn được biết đến với tên gọi bệnh viêm ruột truyền nhiễm (Feline Infectious Enteritis), xảy ra khi số lượng bạch cầu trong máu mèo suy giảm. Nguyên nhân là do virus parvovirus (FPV) gây ra.
Đây là căn bệnh đầu tiên được xác nhận là do virus ở mèo, và virus parvovirus đặc biệt nguy hiểm do khả năng tồn tại lâu dài trong môi trường, thậm chí có thể sống sót trong nhiều năm. Chúng cũng chống chịu được nhiều loại chất khử trùng thông thường.
FPV xâm nhập cơ thể mèo qua nước bọt, sau 24 giờ có thể lan vào máu và các tế bào lympho ở amidan cũng như ruột, tấn công hệ miễn dịch. Virus này không chỉ làm giảm số lượng bạch cầu trong máu mà còn gây tổn thương niêm mạc ruột, khiến mèo mất cảm giác thèm ăn, dẫn đến suy nhược và kiệt sức.
Nguyên nhân gây bệnh giảm bạch cầu
Virus gây bệnh giảm bạch cầu thuộc nhóm Parvovirus, nên thường được gọi là parvo mèo.
Di truyền từ mèo mẹ sang mèo con
Mèo mẹ mang virus FPV không triệu chứng có thể lây sang mèo con khi mang thai hoặc cho bú. Do đó, mèo con sinh ra đã mang sẵn virus này từ mẹ.
Tiếp xúc với mèo bệnh
Mèo khỏe mạnh có thể bị nhiễm virus khi tiếp xúc với dịch tiết hoặc chất thải từ mèo bệnh. Việc sử dụng chung các vật dụng như bát ăn, khay vệ sinh, và khăn lau cũng là những con đường phổ biến để lây lan virus.
Mèo sống ở môi trường có Virus FPV
Mèo sống gần các cơ sở giết mổ, trong môi trường ô nhiễm, hoặc ở những nơi có nhiều mèo hoang và mèo thả rông có nguy cơ cao bị nhiễm virus FPV. Ngoài ra, việc đưa mèo đến cơ sở thú y không đạt tiêu chuẩn, nơi không được khử trùng sạch sẽ, có thể dẫn đến lây nhiễm chéo do virus còn tồn tại trong môi trường.
Lây gián tiếp qua con người
Con người có thể truyền virus cho mèo khỏe nếu tiếp xúc với mèo bệnh mà không vệ sinh sạch sẽ. Việc này có thể làm tăng nguy cơ lây nhiễm cho mèo của bạn
Dấu hiệu và triệu chứng
Khi mèo bị nhiễm bệnh giảm bạch cầu, mức độ nghiêm trọng có thể khác nhau giữa các trường hợp. Một số mèo có thể không biểu hiện triệu chứng rõ rệt, trong khi những triệu chứng ban đầu thường nhẹ và có thể tăng dần theo thời gian. Dưới đây là những dấu hiệu dễ nhận biết nhất của bệnh:
Triệu chứng chung
- Sốt: Mèo có thể bị sốt cao, cảm thấy nóng và không thoải mái.
- Bỏ ăn: Mèo không còn cảm giác thèm ăn hoặc không thể ăn uống.
- Mệt mỏi: Mèo có dấu hiệu mệt mỏi, ủ rũ và yếu ớt.
- Lông rụng: Mèo có thể bị rụng lông nhiều hơn bình thường.
- Viêm tai giữa: Viêm tai giữa cũng có thể là một triệu chứng của bệnh.
Triệu chứng viêm đường tiêu hóa
- Nôn mửa: Mèo có thể nôn ra dịch màu vàng hoặc bọt trắng, và nước dãi chảy liên tục.
- Tiêu chảy cấp: Phân có màu vàng, có thể chứa máu và có mùi hôi khó chịu do niêm mạc ruột bị tổn thương.
- Mất nước: Mèo bị mất nước nghiêm trọng, biểu hiện qua mắt trũng sâu và có thể dẫn đến tình trạng hôn mê.
Triệu chứng giai đoạn cuối
- Rối loạn thần kinh: Ở giai đoạn cuối, mèo có thể gặp các triệu chứng liên quan đến thần kinh như đi loạng choạng, không giữ được thăng bằng, run rẩy và lắc lư.
- Khản tiếng và mất tiếng: Mèo có thể bị khản tiếng hoặc mất tiếng hoàn toàn.
- Co giật và động kinh: Các cơn co giật và động kinh có thể xuất hiện, dẫn đến tình trạng nguy kịch.
- Tử vong: Nếu không được điều trị kịp thời, tử vong là không thể tránh khỏi.
Hiểu rõ các triệu chứng của bệnh giảm bạch cầu và đưa mèo đến bác sĩ thú y kịp thời là rất quan trọng để điều trị và cải thiện cơ hội hồi phục. Nếu mèo có bất kỳ dấu hiệu nào nêu trên, hãy tìm sự chăm sóc y tế ngay lập tức.
Bệnh giảm bạch cầu ở mèo có chữa khỏi được không?
Bệnh giảm bạch cầu ở mèo nếu phát hiện kịp thời thì vẫn có thể điều trị được. Tuy nhiên, tỷ lệ này không cao. Chỉ những chú mèo có sức đề kháng cao thì mới có khả năng chống lại virus. Với mèo con thì tỉ lệ sống gần như bằng 0.
Cách phòng bệnh giảm bạch cầu
Tiêm phòng
Hiện tại chưa có thuốc kháng virus đặc hiệu cho bệnh giảm bạch cầu ở mèo. Vì vậy, tiêm phòng là biện pháp phòng ngừa hiệu quả nhất. Tiêm phòng giúp mèo tạo ra kháng thể để chống lại virus FPV. Nếu mèo có nhiễm bệnh, những kháng thể này sẽ giúp làm suy yếu virus, cải thiện hiệu quả điều trị.
Vệ sinh chuồng nuôi, chỗ ở
Vệ sinh chuồng nuôi và khu vực sống của mèo là rất quan trọng để ngăn ngừa sự phát triển và lây lan của bệnh. Nơi sống ẩm thấp, không được vệ sinh sạch sẽ là môi trường lý tưởng cho vi rút phát triển. Bạn nên sát trùng định kỳ mỗi tuần bằng thuốc diệt vi rút và cách ly mèo bệnh hoặc mèo hoang ngay khi có dấu hiệu nghi ngờ. Vi rút có thể lây lan nhanh chóng qua dịch miệng và phân. Đặc biệt, khi mèo ra ngoài tìm bạn tình hoặc tiếp xúc với mèo hoang, nguy cơ nhiễm bệnh tăng cao. Đảm bảo bảo vệ mèo của bạn khỏi những nguy cơ này để giữ cho chúng luôn khỏe mạnh.